Từ những ngày đầu tiên ấy...

  An Phong

  07/01/2016

  0 Nhận xét

Tôi đã khép lại những trang viết về mùa hè đầu tiên của đời sinh viên đáng nhớ. Và đã gần một năm trôi qua hôm nay tôi viết những dòng cảm xúc này khi chuẩn bị tiếp tục mở ra trang nhật ký của mùa tình nguyện thứ hai.

Ai đã từng làm tình nguyện hẳn sẽ có rất nhiều lời muốn nói. Nhiều lắm nhưng cảm xúc những suy tư, nhiều lắm những kỷ niệm, những trải nghiệm, những gì ta đã qua... Cứ nghĩ rằng tình nguyện chỉ là điều gì đó bình thường, hời hợt, thoáng qua. Và thử đưa bản thân mình vào trải nghiệm một lần cho đời sinh viên có đầy đủ dư vị. Tôi đã đến với tình nguyện trong tâm thế như vậy đó!.

Hôm nay thì khác đúng là tuổi trẻ thì cần phải trải nghiệm, và cuộc sống thì luôn cần những sắc màu đa dạng để sống vui hơn có nghĩa hơn. Nhưng với tôi hôm nay tình nguyện không phải điều gì có tính hời hợt hay thoáng qua. Vì tôi đã thực sự hiểu, thấm thía những gì mình được nghe, được thấy, được làm. Có thật nhiều, thật nhiều điều mà nếu chỉ đứng ngoài thì ta không bao giờ biết được giá trị của nó. Nếu thực sự tâm huyết với công việc thiện nguyện thì khi trải lòng ai cũng sẽ có những cảm xúc sâu lắng chân thành và một miềm nhớ.

Cũng không biết phải sắp xếp ngôn từ như thế nào để chia sẻ cảm xúc của bản thân, chia sẻ nhiệt huyết tuổi trẻ, chia sẻ tất cả những gì tôi nghĩ. Nhưng tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện, nó là một phần trong mùa tình nguyện đầu. Là điều ám ảnh và trở về trong hồi tưởng ký ức của tôi nhiều nhất: “Lớp học vùng cao”.

Một điểm trường cũng là một trường học cơ sở vật chất tương đương với nó là một lớp học. Trong lớp có một cái bảng, một cái trống và mấy bộ bàn ghế. Hình ảnh về lớp học thiếu thốn, trong tâm tưởng của tôi trước khi đến đây, những lớp học như thế chỉ còn trên tivi được quay bởi những thước phim từ thời còn chiến tranh. Những mảnh gỗ dựng thành tường, nóc thì được che bằng mái tôn, không chống chọi được với sương gió núi cao, tường bị nghiêng vẹo còn mái thì cứ bay phần phật, bay mất lúc nào cũng không hay.

Thầy giáo của lớp học nơi đó kể cho chúng tôi nghe về không gian lớp học trong mùa đông:

- Tất cả cỏ và lá khô sẽ được thầy trò mang nhét vào các khe hở ở tường.

- Còn trên mái thì dùng vải nhựa dán hoặc buộc vào các lỗ hở rộng.

- Ngày nào cũng vậy trước khi bài học bắt đầu, thầy trò lại kiểm tra lớp học, nhét cỏ và lá khô vào khe hở. Bất kỳ lúc nào khe hở xuất hiện thì sương mù sẽ tràn vào lớp, thầy không nhìn thấy trò, trò không nhìn thấy bảng, tất thảy sách vở và quần áo thầy trò đều bị ướt vì sương.

- Trong lớp mỗi bàn có một cái đèn dầu, dù là học buổi sáng buổi trưa hay chiều thì đều phải thắp.

- Mùa đông số ngày đến lớp rất ít, dù có đến tận nhà vận động các em đi học thì cũng chỉ được một hai buổi, xong các em lại nghỉ. Mùa đông trên núi hắt hiu chỉ có bếp lửa giúp chống chọi qua ngày.

Và nơi đây là lớp học không có mùa hè, dù nắng nóng nhưng những ngày nắng sẽ là những ngày học bù cho những ngày rét. Và sẽ không phải học bù nếu như có trên 50% học sinh trong lớp có học lực trung bình trở lên. Nhưng đây là bài toán khó với người thầy nơi vùng đất giáp biên này.

Những thầy cô nơi đây cũng là những người trẻ như chúng tôi thuộc vào tầm tuổi anh chị chúng tôi. Xa quê hương tới với những đứa trẻ lam lũ và thương cảm, thiếu đủ thứ chỉ biết mong mỏi vào sự tiến bộ của những đứa trẻ mà gắng gượng.

Dù tưởng tượng tôi cũng chưa từng mang trong mình một khái niệm về lớp học như thế. Cũng là mảnh đất Việt Nam mà sự khác biệt thật nhiều, những câu nói những hình ảnh về một lớp học khó khăn cứ trở về trong suy nghĩ và như một phần trong ký ức thức tế của tôi.

Xin chia sẻ với những ai quan tâm, và đồng cảm!

Mùa hè lại đến, lại tiếp tục khoác balo lên vai, cùng những người đồng chí của tôi đi và trải nghiệm, góp sức nhỏ của mình và viết tiếp những trang ký sự tình nguyện, với một hy vọng tươi mới ở những vùng đất lạ xa mà lại quen thân.

NHẬN XÉT CỦA BẠN

Đánh giá của bạn về bài viết của chúng tôi